Dừa cạn có cánh đơn, mỏng. Có nhiều mầu sắc như trắng, tím, hồng, đỏ. Thích hợp để trồng thảm, trồng chậu hoặc giỏ treo. Cây có sức sống khoẻ. Có thể sống quanh năm, tốt nhất vào mùa hè và thời gian có nhiều nắng.Dừa cạn là cây thảo sống lâu năm, cao 40 – 60cm, phân nhiều cành. Thân mọc thẳng, hình trụ nhẵn, lúc non màu xanh lục nhạt, sau chuyển hoa màu hồng hoặc trắng (hiếm hơn). Lá mọc đối, hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 4-6cm, rộng 2-3cm, hai mặt nhẳn, mặt trên sẩm bóng, mặt dưới nhạt. Hoa màu hồng hoặc trắng (trắng hiếm hơn).
Dừa cạn có hai loại chính là dừa cạn đứng, và dừa cạn rủ, cả 2 loại đều đẹp, có thể lựa chọn theo mục đích trồng, nếu trồng chậu treo ở ban công thì nên chọn dừa rủ, còn không thì chọn dừa cạn đứng.
I.Kỹ thuật trồng và chăm sóc.
1.Chọn giống.
Có thể mua hạt giống hoa về gieo, sau vài ngày là nảy cây con. Nếu cẩn thận thì nên gieo hạt riêng, chờ cây lớn khoảng gang tay thì đưa ra trồng nơi đất rộng. Nếu bạn không có nhiều thời gian ngâm giống và gieo hạt thì lựa chọn tốt nhất là mua giống cây về trồng.
2.Ngâm giống hạt.
Nước ngâm hạt: là nước ấm. Bỏ hạt vào trong miếng vải sáng màu, túm lại và bỏ vào nước ấm ngâm trong 3 tới 4 giờ.
Hoăc Để hạt vào giấy ăn,phun ẩm, bỏ giấy ăn và hạt vào túi nilon buộc chặt để chỗ mát trong 3 - 4 giờ.
3.Chuẩn bị đất.
Đất gieo hạt tốt nhất nên dùng giá thể. Bỏ đất vào khay gieo hạt hoặc cốc gieo hạt có lỗ thoát nước, ấn nhẹ đất.
Đất gieo hạt tốt nhất nên dùng bao gồm có cát đen + bột sơ dừa + trấu hun hoặc sơ
dừa + trấu hun.
dừa + trấu hun.
4.Gieo hạt.
Dùng đầu tăm tre cho từng hạt xuống khay gieo hoặc cốc gieo và tạo cho chúng khoảng cách nhất định (5-7 cm 1 hạt). Sau khi gieo ta phủ lên một lớp đất mỏng.
5.Tưới nước.
Tưới đủ ẩm bằng vòi phun sương ngày 2 lần sáng và chiều mát. Lưu ý là Từ lúc gieo hạt tới lúc đưa cây ra trồng là khoảng 1 tháng, lúc này cây bé và lớn rất chậm. Còn tới khi đưa ra chậu cây lớn rất nhanh và đẻ nhiều nhánh. Giai đoạn ươm cây ta nên để cây chỗ có ánh sáng vừa đủ, có mái che để dễ kiểm soát độ ẩm v à nhiệt độ, giúp cây phát triển tốt hơn.
Sau 1 tháng cây ở trong khay, cốc ươm, ta có thể bứng cây ra trồng riêng, lúc này cây đã có từ 4 - 5 lá thật. Mỗi chậu nhựa treo có thể trồng từ 1 - 3 cây con ( tùy loại chậu to hay nhỏ) bạn có thể phun B1 sau khi bứng cây 1 tuần kích thích bộ rễ phát triển, sau 10 ngày thì có thể dùng phân bón thúc cho cây hoặc phun phân bón lá theo định kỳ tháng (để tăng đề kháng và dinh dưỡng cho hoa giúp hoa lâu tàn và có màu sắc rực rỡ). Tưới đều đặn ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.
5.Bón phân.
Về cách bón phân, người chăm sóc cây nên sử dụng phân bón dưỡng hoa có tác dụng dưỡng hoa, làm cho hoa có màu sắc sặc sỡ và lâu tàn. Liều lượng sử dụng cho mỗi lần là muỗng cafe nhỏ, dùng phân bón khi thấy cây vừa ra nụ hoa, pha 0,5-1 muỗng cafe/1lít nước phun. Người trồng nên định kỳ 7-10 ngày phun một lần.
6.Cách nhận biết bệnh ở dừa cạn.
Nếu ngọn cây hoặc ở giữa cành mà tự nhiên teo lại, kéo theo ngọn và cành đó chết thì cây đã bị nấm. Cây còn bé thì dễ chữa chứ cây đã trưởng thành thì khó vô cùng.
Nếu cây đang vô cùng tươi tốt mà tự nhiên vao một ngày đẹp trời nào đó mà toàn bộ cây héo rũ và chết cực nhanh thì đích thị cây bị úng rễ rồi. Chúng ta chỉ cần tưới phân siêu ra rễ là ổn, nhưng phải xử lý ngay chứ để chậm thì dù chỉ một ngày thôi chắc chắn là .. vô phương cứu chữa.
Nếu toàn bộ cây hoặc một vài cành bị héo rũ từ gốc lên: Kiểm tra gốc sẽ thấy gốc bị thâm và da cây ở gốc hơi sun lại. Nếu dùng móng tay cậy lên thì thấy phần thịt của cây ở gốc không còn xanh mà thâm lại thì cây đã bị thối gốc hoặc bị nấm ở gốc. Biểu hiện này thì cây đã vô phương cứu chữa , cây dừa rủ sống được lúc nào thì hay lúc đó thôi.
Vì vậy cần phải thường xuyên chú ý đến cây để tránh tình trạng bị bệnh quá nặng.
II.Cách làm dừa cạn ra hoa nhiều màu.
Dừa cạn có nhiều giống, mỗi giống có một màu hoa khác nhau từ tím, hồng, trắng, trắng có đốm đỏ, đỏ sậm… Những giống này đều cùng họ Trúc Đào (Apocynaceae) nên có thể ghép được với nhau. Muốn có một cây dừa cạn nhiều màu hoa, chúng ta chỉ việc ghép những giống có màu hoa khác lên cùng một gốc ghép.
Trên gốc ghép chọn những tược có độ lớn cỡ ruột cây bút bi, cắt bỏ một đoạn ngọn dài 3-4cm để làm gốc ghép. Trên cây cần lấy giống cũng chọn những tược có độ lớn tương đương với gốc ghép, sau đó cắt lấy một đoạn dài khoảng 3-4cm. Cắt bỏ lá ở gốc cành ghép rồi dùng lưỡi dao lam cắt vạt hai bên để cành ghép có hình nêm (vết cắt vạt dài khoảng 1cm), sau đó dùng lưỡi dao chẻ đôi gốc ghép (sâu khoảng 1,5cm). Chẻ xong, khéo léo luồn phần vạt nêm của gốc ghép vào chỗ vừa chẻ đôi, lấy dây nylon mềm quấn vừa đủ chặt chỗ ghép. Khi xong xuôi, dùng một bao nylon nhỏ (loại trong) trùm kín cả cành ghép và chỗ ghép để tránh bị khô, nước xâm nhập. Đưa cây ghép vào chỗ mát hoặc dùng vật liệu che mưa, nắng cho cây. Khoảng 2 tuần sau, thấy cành ghép sống thì tháo bỏ bao nylon, 2 tuần sau nữa thì tháo dây nylon quấn quanh chỗ ghép. Sau một thời gian, cành ghép sẽ ra lá, phát triển, phân nhánh rồi ra hoa.
Muốn thành công cao khi ghép, cần phải tiến hành ghép ngay sau khi cắt cành ghép khỏi cây mẹ. Khi cắt, chẻ và vạt, phải dùng lưỡi dao thật sắc, để chỗ cắt không bị trầy xước, bầm giập. Các thao tác ghép phải thuần thục, nhanh và chính xác, tránh làm đi làm lại nhiều lần. Tuyệt đối không để đất cát, bụi bẩn, nước dính vào mặt tiếp xúc giữa gốc ghép và cành ghép.
Muốn cây hoa sau này cân đối và đẹp, nên ghép các giống có màu hoa tương phản xen kẽ với nhau. Có thể ghép cùng lúc nhiều giống, cũng có thể ghép dần từng giống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét